Chất lượng nước cấp vào lò hơi có ý rất quan trọng đối với việc đảm bảo sự an toàn khi vận hành lò hơi, quyết định hiệu quả làm việc của lò hơi, và chất lượng sản phảm sản xuất. Để tránh các sự cố trong khi vận hành lò hơi do liên quan đến chất lượng nước cấp vào lò hơi, ta nên xây dựng hệ thống xử lý nước cấp lò hơi.
Nguồn nước được sử dụng là nước mặt, chất lượng nguồn nước được sử dụng để sản xuất phải đạt tiêu chuẩn an toàn về chất lượng nước cấp cho lò hơi. Chất lượng nước sau khi được xử lý sẽ đạt tiêu chuẩn yêu cầu của chủ đầu tư với các thông số cơ bản đảm bảo an toàn khi vận hành lò hơi.
Và dưới đây là hệ thống xử lý nước cấp lò hơi mà Green tìm hiểu được. Các bạn cùng theo dõi nhé
Sơ đồ hệ thống xử lý nước cấp lò hơi
Nước sông được bơm từ trạm bơm qua các song chắn rác được dẫn về hệ thống xử lý (HTXL). Nước đầu được đưa vào bể keo tụ tạo bông. Tại đây hệ các hóa chất gồm PAC, NaOH, và Polymer được đưa vào giúp keo tụ các hạt lơ lửng trong nước thành các bông cặn có kích thước lớn, đồng thời giảm một phần đáng kể hàm lượng sắt, mangan, sunfat, muối khoáng có trong nước.
Nước sẽ tự chảy qua bể lắng, dưới tác dụng của trọng lực các bông keo có trọng lượng lớn sẽ dễ dàng tách khỏi nước, lắng xuống phần đáy thiết bị, nước trong chảy sang ngăn trung gian, tại đây bơm lọc sẽ bơm qua cụm thiết bị lọc áp lực, với thành phần là sỏi, cát thạch anh giúp loại bỏ các hạt cặn và các chất lơ lững còn xót lại trong quá trình lắng, đồng thời tạo độ trong cho nước.
Dòng nước tiếp tục chảy qua cụm 2 thiết bị trao đổi ion, vật liệu trao đổi là hạt cationit R-Na. Đây là quá trình làm mềm nước và loại bỏ một số cation có hại dựa trên tính chất của một số chất không tan hoặc hầu như không tan trong nước (cationit), nhưng có khả năng trao đổi ion, khi ngâm trong nước các chất này hấp thụ cation của muối hòa tan lên bề mặt hạt và nhả vào nước một số lượng tương đương cation đã được cấy lên bề mặt hạt từ trước.
Trong quá trình này, các ion gây nên độ cứng trong nước sẽ được loại ra khỏi nước. Sau một thời gian xử lý, các hạt cationit sẽ bị bão hòa bởi các cation của các muối hòa tan trong nước, do đó lúc này cần tái sinh các hạt cationit.
Áp lực dòng nước tiếp tục đẩy qua hai cột lọc tinh được lắp song song (5 µm). Tại đây nước được lọc tinh thông qua bộ lọc 20” có kích thước 5 µm nhằm loại bỏ những tạp chất lơ lửng bé có kích thước > 5 µm tạo cho nước có độ trong tốt nhất, đảm bảo cho khả năng hoạt động ổn định của hệ thống thẩm thấu ngược (RO). Nước sau lọc tinh đã hoàn toàn được khử cứng và chảy vào bể chứa nước mềm.
Tại bể chứa nước mềm, bơm cấp sẽ tiếp tục đưa nước qua hai cột lọc tinh có kích thước 0.5 µm nhằm đảm bảo chất lượng nước cho hệ thống RO, giúp tăng tuổi thọ hoạt động và chất lượng nước đầu ra. Bơm cao áp với áp lực nước cực mạnh sẽ đẩy nước vào hệ thống RO. Hệ thống thẩm thấu ngược (RO) (gồm 14 màng RO được lắp trong 7 vỏ) là quá trình xử lý quan trọng trong việc quyết định chất lượng nước thành phẩm.
Tại đây dưới tác dụng của áp suất thẩm thấu, màng lọc thẩm thấu ngược loại bỏ các ion hóa trị một còn lại có trong nước, đồng thời xử lý đến 90% các vi khuẩn có trong nước. Làm cho nước có độ tinh khiết cao. Nước sau qua hệ thống RO được chứa trong bể chứa nước thành phẩm sạch đạt tiêu chuẩn cấp vào sử dụng cho lò hơi.
Đó là quy trình xử lý nước cấp lò hơi mà Green muốn gửi tới các bạn. Green hy vọng, những thông tin này sẽ giúp bạn xử lý được vấn đề của mình. Chúc các bạn thành công!!!